ĐỊNH HƯỚNG ÔN LUYỆN VÀ LÀM BÀI THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN LỊCH SỬ
1. Tìm hiểu một số điểm mới về kì thi tốt nghiệp THPT (từ năm 2025)
Từ năm học 2024 – 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT theo phương thức mới: đánh giá năng lực và phẩm chất người học dựa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình 2022 đối với môn Lịch sử). Bên cạnh đó, nhiều viện, học viện, đại học và trường đại học cũng sẽ tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực (theo phương thức riêng) để xét tuyển.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều viện, học viện, đại học, trường đại học và cao đẳng trên cả nước đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT, hoặc tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển đã tác động lớn đến cách dạy, cách học và ôn – luyện thi của thầy cô giáo cũng như học sinh.
So với các kì thi, đánh giá trước đây, kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và thi đánh giá năng lực ở các viện, học viện, đại học và trường đại học có nhiều điểm mới, chúng ta cần hiểu rõ để vận dụng.
Điểm mới thứ nhất, mục đích chính của kì thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá, xét tốt nghiệp cho học sinh năm cuối cấp – lớp 12 THPT, nhưng kết quả “học thật”, “thi thật” của thí sinh trong kì thi này cũng là cơ sở tin cậy để các viện, học viện, đại học, trường đại học và cao đẳng trên cả nước xét tuyển (khoảng 60 % thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ được xét và trúng tuyển).
Điểm mới thứ hai, sự thay đổi về số môn thi, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài thi. Trên cơ sở các môn học bắt buộc đã theo học từ lớp 10 (Ngữ Văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ) và 4 môn học lựa chọn theo tổ hợp/nhóm/khối thi (Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hoá học, Sinh học,...), mỗi học sinh phải đăng kí 4 môn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài môn Ngữ văn tất cả các thí sinh thi tự luận chung đề (120 phút), môn Toán thi trắc nghiệm (90 phút), các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm (50 phút/môn). Học sinh không được lựa chọn môn học khác để thi tốt nghiệp THPT – nếu môn học đó không phải là môn học bắt buộc, hoặc không nằm trong tổ hợp được học từ lớp 10.
Đối với những thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đã trượt tốt nghiệp năm 2024, hoặc đã học xong chương trình lớp 12 nhưng chưa đăng kí dự thi tốt nghiệp nếu muốn tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì vẫn thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ) và 3 môn theo tổ hợp (Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân hoặc Vật lí, Hoá học và Sinh học).
Điểm mới thứ ba, các môn thi có sự thay đổi về cấu trúc, định dạng câu hỏi và cách tính điểm. Đối với môn Lịch sử, đề thi được chia làm hai phần: Phần I – Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (mỗi câu hỏi thí sinh chỉ chọn một phương án A, B, C hoặc D);
Phần II – Câu trắc nghiệm đúng sai (trong mỗi ý a, b, c, d ở mỗi câu, thí sinh phải chọn đúng hoặc sai).
Trên cơ sở đổi mới cách thức ra đề, cấu trúc và định dạng đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng điều chỉnh cách tính điểm với mỗi định dạng câu hỏi. Tổng điểm của mỗi bài thi là 10,0 điểm, trong đó:
– Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, mỗi câu trả lời đúng (A, B, C, D) được 0,25 điểm.
– Câu trắc nghiệm đúng sai, mỗi ý trả lời đúng (a, b, c, d) trong mỗi câu lại có cách tính điểm khác nhau. Điểm tối đa của 01 câu hỏi là 1 điểm, trong đó:
+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 01 ý trong 1 câu hỏi được 0,1 điểm.
+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 02 ý trong 1 câu hỏi được 0,25 điểm.
+ Thí sinh chỉ lựa chọn chính xác 03 ý trong 1 câu hỏi được 0,50 điểm.
+ Thí sinh lựa chọn chính xác cả 04 ý trong 1 câu hỏi được 1,0 điểm.
2. Định hướng chương trình, cấu trúc đề thi và nội dung ôn luyện thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử
Chương trình môn Lịch sử 2022 (ban hành kèm theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 3-8-2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định học sinh học kiến thức môn Lịch sử cấp THPT có hai phần: học theo chủ đề (bắt buộc) và học theo chuyên đề (lựa chọn). Trên cơ sở đó, chương trình ôn luyện thi tốt nghiệp THPT của học sinh sẽ nằm trong phần kiến thức của các chủ đề, tập trung chủ yếu ở lớp 12.
Về cấu trúc đề thi, căn cứ vào định hướng của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi môn Lịch sử sẽ có hai phần: Phần I gồm 24 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn (A, B, C hoặc D) và phần II có 4 câu hỏi trắc nghiệm đúng sai (mỗi câu có 4 ý a, b, c, d).
Về tỉ lệ câu hỏi theo chương trình và nội dung kiến thức cần ôn luyện, học sinh cần tập trung nhiều hơn vào những chủ đề ở lớp 12 (từ 34 đến 35 câu, chiếm khoảng 85 %) và một phần của lớp 11 (từ 5 đến 6 câu, chiếm khoảng 15 %). Để ôn luyện hiệu quả, các em phải có kế hoạch từ sớm và cần xác định được những mạch kiến thức cơ bản sau đây: