TÀI LIỆU Chuyên đề lí luận văn học lớp 12: chuyên đề lý luận về thơ được soạn dưới dạng file word gồm 27 trang. Các bạn xem và tải Chuyên đề lí luận văn học lớp 12: chuyên đề lý luận về thơ về ở dưới.
CHUYÊN ĐỀ LÝ LUẬN: THƠ
I. KHÁI NIỆM THƠ
1.1. Ở Trung Quốc thời trung đại
Thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. Thơ có lịch sử lâu đời như thế nhưng để tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của nó cho việc nghiên cứu thơ ngày nay thì thật không dễ.
Trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm "thơ là gì?" đã được đề cập đến từ rất sớm. Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn).
Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: "Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa". Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.
1.2. Ở Việt Nam thời hiện đại
Khái niệm "thơ là gì?" cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến với nhiều quan niệm, nhiều khuynh hướng khác nhau.
- Khái quát: Trước hết, cần khẳng định thơ là hình thức sáng tác văn học phản ảnh đời sống, là thể loại văn học ra đời đầu tiên, có phạm vi phổ biến rộng và sâu.
- Về hình thức nghệ thuật: Nhìn từ bên ngoài, thơ là hình thức cấu tạo ngôn từ đặc biệt. Việc sắp xếp các câu (dòng) thơ như những đơn vị nhịp điệu làm nên một hình thức có tính tạo hình, thành một cấu trúc đặc biệt. Mỗi câu thơ đều là một cách sắp xếp có dụng ý qua cách dùng từ, hình ảnh, số chữ, nhịp điệu, hiệp vần, phối thanh, các biện pháp tu từ…
- Về nội dung, ý nghĩa: Về bản chất bên trong của thơ thì thơ là một thể loại trữ tình, là tiếng nói tâm hồn của con người. Thơ là tiếng nói của cảm xúc, là người thư kí trung thành của trái tim, là tiếng nói thầm của nội tâm sâu kín "Thơ là tiếng nói đầu tiên, là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn con người khi đụng chạm với cuộc sống" (Nguyễn Đình Thi).
- Về giá trị, chức năng, tư tưởng:
+ Thơ ca bao giờ cũng là tấm gương phản ánh cuộc sống và đặc biệt thể hiện đời sống tâm hồn con người.
+ Thơ là trạng thái tình cảm, cảm xúc cao độ, tràn đầy đòi hỏi phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật. Con đường để thơ đến với người đọc là "từ trái tim đến trái tim". Người nghệ sĩ từ chỗ rung động trước cái đẹp sẽ lan truyền những rung động đó tới người đọc.
+ Cảm xúc mạnh mẽ của nhà thơ có thể tạo nên những câu thơ có tầm tư tưởng tác động đến nhận thức của người đọc nên "Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh". Ở phương diện này, các thi sĩ huy động các thao tác của tư duy như phân tích, khái quát, tưởng tượng… để sáng tạo nghệ thuật tạo nên những câu thơ lấp lánh chất trí tuệ, triết lí.
Hiện nay, cách định nghĩa về thơ của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học có thể xem là chung nhất: "Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu". Định nghĩa này đã nêu rõ nội dung của thơ là phản ánh đời sống, thể hiện tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ và hình thức nghệ thuật là ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Đặc biệt, đã nêu rõ được sự khác biệt của ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ trong những thể loại văn học khác.
Và bao quát quá trình sáng tạo và ý nghĩa nội dung, tư tưởng của thơ, Xuân Diệu khẳng định “Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đã đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ ấy phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay, thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những con người.” (Xuân Diệu)
II. PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN CỦA THƠ
Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú; thơ được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, nhưng dù thuộc loại hình nào thì yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm.
Nhân vật trữ tình (cũng gọi là chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình) là người trực tiếp cảm nhận và bày tỏ niềm rung động trong thơ trước sự kiện. Nhân vật trữ tình là cái tôi thứ hai của nhà thơ, gắn bó máu thịt với tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Tuy vậy, không thể đồng nhất nhân vật trữ tình với tác giả.
Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời.
Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.
Thơ thường không trực tiếp kể về sự kiện, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự
kiện làm nảy sinh rung động thẩm mĩ mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ mà văn bản thơ là sự thể hiện của niềm rung động ấy. Một miếng trầu đem mời, một cái bánh trôi nước, một tiếng gà gáy canh khuya có thể là những sự kiện gây cảm xúc cho Hồ Xuân Hương; sự kiện Dương Khuê qua đời trong "Khóc Dương Khuê" (Nguyễn Khuyến); cuộc đời tài hoa mệnh bạc của nàng Tiểu Thanh trong "Độc